30 tuổi, khi đang có công việc ổn định với mức lương cao “chót vót”, Nguyễn Thanh Tùng (1989) quyết định “về hưu sớm” và theo đuổi đam mê du lịch, trở thành travel blogger.
30 tuổi, khi đang có công việc ổn định với mức lương cao “chót vót”, Nguyễn Thanh Tùng (1989) quyết định “về hưu sớm” và theo đuổi đam mê du lịch, trở thành travel blogger.
Chỉ sau một năm “nghỉ hưu” ở tuổi 30, Nguyễn Thanh Tùng đã “chu du” 20 quốc gia trên khắp thế giới – điều mà anh không thể thực hiện khi còn làm giám đốc kinh doanh trong tập đoàn công nghệ lớn.
“Mình không hối tiếc với lựa chọn này. Hành trình khám phá thế giới đã mang tới cho mình cái nhìn hoàn toàn khác về cuộc sống. Dự định của mình là trong 5 năm sẽ đi hết ⅔ thế giới”, Thanh Tùng chia sẻ.
Theo dõi những chuyến đi khắp thế giới “sang chảnh” của Tùng 2 năm qua, ít ai ngờ rằng, gần 10 năm trước, Tùng từng là chàng sinh viên đi phát tờ rơi khắp thành phố, trong túi chỉ có vài chục ngàn không hơn không kém.
Hành trình để “tự do tài chính” và có thể tự do khám phá thế giới của anh không đơn giản.
Bí quyết để tự do tài chính ở tuổi 30
Khi từ Nghệ An ra Hà Nội học, cha mẹ chỉ mong sau khi tốt nghiệp, Tùng có công việc ổn định với ngành học kĩ sư, mua được căn nhà nhỏ tầm 1 tỷ đồng để “an cư lập nghiệp”.
Ông bà khó lòng hình dung, ở tuổi 30, con trai đã sở hữu penthouse, xe sang, khối tài sản nhiều người mơ ước.
Ngay khi là sinh viên năm nhất Đại học Bách khoa Hà Nội, Thanh Tùng đã nhanh chóng nhận ra, thành phố này có rất nhiều cơ hội công việc để anh vượt lên sự “ổn định”. Ngoài giờ lên lớp, anh làm đủ thứ nghề với mục đích được học và rèn luyện kĩ năng.
Chàng trai xứ Nghệ từng đi phát tờ rời khắp ngõ ngách Hà Nội, gõ cửa từng nhà để giới thiệu sản phẩm, bất kể ngày nắng hay mưa. Ngày đó, có khi trong túi anh chỉ có vài chục nghìn, không hơn không kém.
Công việc rèn luyện cho anh tính kiên trì, nhẫn nại, học hỏi về cách giao tiếp, tiếp thị, kĩ năng mềm.
Từ công việc làm thêm, chàng sinh viên Bách Khoa trở thành nhân viên kinh doanh trong một tập đoàn công nghệ. Khi vào công ty, anh không ngừng tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm người đi trước.
Với thành tích bán hàng xuất sắc, có tháng ký được 220 hợp đồng, Thanh Tùng được đặc cách trở thành trưởng phòng trẻ tuổi nhất công ty, khi còn chưa tốt nghiệp đại học.
Nhận ra những người tự do tài chính khi còn trẻ thường là người giỏi trong lĩnh vực công nghệ hay kinh doanh trên nền tảng công nghệ, Tùng tìm hiểu để phát triển theo hướng này. Anh tự học marketing online, điện tử viễn thông…
Năm 2014, sau 5 năm vào công ty, anh nhận chức giám đốc kinh doanh. “Tháng thứ 2 vào công ty, tôi đạt mức lương 30 triệu đồng, đến thời điểm nghỉ việc tổng thu nhập trung bình khoảng 120 triệu đồng mỗi tháng”, anh tiết lộ.
Thanh Tùng đạt được vị trí công việc và mức lương “chót vót” nhiều người mơ ước từ khi còn rất trẻ
Bên cạnh đó, Tùng liên tục mở rộng thêm các kênh thu nhập khác như kinh doanh chứng khoán hay khởi nghiệp trong lĩnh vực spa.
Anh dành gần như toàn bộ thu nhập để đầu tư vào cổ phiếu của chính công ty mình đang làm việc.
Đúng như dự đoán, năm 2017 công ty lên sàn, kéo theo tài sản của anh tăng gấp 3. Anh bán đi một phần để rút ra 3 tỷ đồng, đầu tư thêm vào dự án khởi nghiệp thực hiện cùng bạn trước đó.
Ban đầu, công ty khởi nghiệp của anh chỉ có một địa điểm ở Sài Gòn, nhưng sau 3 năm, công ty có tới 50 chi nhánh, ở khắp các thành phố lớn và có mặt tại Lào, Campuchia. Cuối 2019, dự án này được chuyển nhượng thành công cho một quỹ đầu tư của Việt Nam.
“Khi công việc phát triển, ngoài những thành quả đạt được, mình phải đánh đổi không ít. Ngay cả khi về nhà, mình cũng không thể thoát khỏi những email, tin nhắn công việc. Mình bị cuốn theo cái bẫy quyền lực và thu nhập. Có thời gian mình bị mất cân bằng giữa cuộc sống và công việc, căng thẳng triền miên”, anh Tùng cho hay.
Tháng 12/2018, với khoản tiền kiếm được và tích lũy, đầu tư, anh quyết định nghỉ việc… dành thời gian thực hiện đam mê bấy lâu nay là: Du lịch.
Một năm chu du 20 quốc gia và những trải nghiệm vô giá
Thanh Tùng vốn có sở thích về du lịch và nhiếp ảnh. Trước đây, lúc hiếm hoi có thể xin nghỉ phép, anh đều tranh thủ đi đây đó, tận hưởng vẻ đẹp đất nước và ghi lại những khoảnh khắc thiên nhiên.
Anh đã đặt chân tới 50/63 tỉnh thành. “Hầu hết những chuyến đi đó đều vội vã, không trọn vẹn vì mình không thể tách biệt hoàn toàn với công việc. Đó cũng là một lí do thôi thúc mình thực hiện mục tiêu nghỉ hưu sớm”, Tùng chia sẻ.
Chuyến “xuất ngoại” du lịch đầu tiên của Tùng là tới Singapore. Tới quốc gia phát triển nhất Đông Nam Á, anh choáng ngợp trước sự văn minh, hiện đại của quốc gia này.
“Mình nhận ra thế giới còn quá nhiều điều thú vị, bất ngờ để khám phá. Mình không thể cứ sống cuộc sống chìm trong công việc mãi được”, Thanh Tùng chia sẻ.
Anh thường chọn du lịch trải nghiệm thay vì du lịch “sang chảnh”, lựa chọn tới các điểm đến mới, chưa phổ biến với du khách. Anh không lên kế hoạch quá chi tiết về các chuyến đi để có thể tự do khám phá theo ý thích.
“Thậm chí, chuyến đầu tiên ra nước ngoài, mình còn chẳng nói được một câu tiếng Anh trọn vẹn, chính xác. Nhưng sau một năm vừa đi vừa học hỏi, mình dần dần thành thạo cả tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Campuchia”, Thanh Tùng tiết lộ.
“Tất nhiên, đôi khi mình vẫn chọn hình thức du lịch sang chảnh, đắt đỏ để trải nghiệm xem mình có thể nhận lại điều gì với mức tiền phải bỏ ra”, anh chia sẻ thêm.
Thanh Tùng thượng chọn những địa điểm khá mới mẻ, chưa phổ biến với du khách
Khi đi du lịch, Thanh Tùng “gỡ bỏ” hoàn toàn hình ảnh của một “giám đốc”. Anh sẵn sàng hòa nhập vào cuộc sống của người địa phương để cảm nhận nền văn hóa, đặc trưng vùng miền, đất nước.
“Ví dụ khi sang các nước Bắc Âu, người dân rất ôn hòa, hiền lành. Dân cư ở các vùng ngoại ô khá thưa thớt. Nếu cần giúp đỡ, bạn chỉ cần nở nụ cười, mọi người đều sẵn lòng”, anh Tùng chia sẻ.
Chuyến hành trình khiến anh Tùng nhớ nhất là khi chinh phục “Lưỡi quỷ” Trolltunga ở Na Uy. Đây là một trong những vách đá đẹp và đặc biệt nhất Na Uy.
Trolltunga còn được biết đến với tên gọi Lưỡi Quỷ, bởi hình dáng giống một chiếc lưỡi khổng lồ nhô ra từ vách đá liếm lên bầu trời xanh cùng khung cảnh hùng vĩ phía dưới.
Trolltunga cao 1.100 m so với mực nước biển, nhìn như lơ lửng ở khoảng không 700m so với mặt hồ Skjeggedal.
Anh Tùng quyết định tới Trolltunga khi đang ở Hà Lan và vô tình gặp một người bạn Đài Loan chuẩn bị tới chinh phục vách đá này.
“Mình không có kế hoạch tới Trolltunga trước đó. Do nhầm tưởng anh bạn này là người Việt nên mình bắt chuyện làm quen. Khi anh ấy chia sẻ bức hình về Trolltunga mình đã cực kì phấn khích và muốn lên đường khám phá”, Tùng chia sẻ.
Anh Tùng tới Na Uy vào mùa hè nên gần như ở đây không có buổi đêm, phù hợp để chinh phục Trolltunga.
Hai chàng trai dự định sẽ thực hiện chuyến đi trong 24h. Nhưng khi trở về, mây mù bất ngờ ập tới, bao trùm bầu trời.
Hai người mất phương hướng. Việc mò đường ở nơi có độ cao hơn 1000m, xung quanh toàn vách đá là quá nguy hiểm.
Anh Tùng và người bạn quyết định ngồi im tại chỗ, lặng lẽ chứng kiến mây mù bao phủ, xung quanh không một tiếng động.
“Lúc đó mình cảm thấy rất bất an nhưng không còn cách nào khác. Trong đầu mình bắt đầu nghĩ tới những kịch bản xấu. Mãi ba tiếng sau, sương mới tan dần và văng vẳng tiếng chó sủa từ một số đoàn có chó dẫn đường. Lúc ấy mình mới thở phào”, anh Tùng nhớ lại.
Thanh Tùng lại “Lưỡi quỷ” Trolltunga ở Na Uy
Trên hành trình khám phá, Thanh Tùng nhận ra biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa chóng mặt đã khiến nhiều nơi trên thế giới mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Điều đó làm anh muốn đi nhiều hơn để kịp chứng kiến vẻ đẹp thiên nhiên sơ khai.
“Mình dự định sẽ đi ⅔ thế giới trong 5 năm. Dịch Covid-19 khiến kế hoạch phải tạm ngưng. Mình khá tiếc về điều đó”, anh Tùng chia sẻ.
“Trong thời gian không thể xê dịch, mình ở nhà ghi lại những chuyến đi, chia sẻ hình ảnh, video du lịch để vừa “chiều chuộng” đam mê của bản thân vừa truyền cảm hứng tới mọi người”, anh cho biết.
Cũng trong thời gian này, để giảm bớt nỗi nhớ xê dịch, anh dành thời gian cải tạo, chăm sóc ban công, khu vườn tại căn penthouse thành không gian sống xanh và “du lịch tại gia”. Hai vợ chồng có thể cùng nhau nhâm nhi chén trà, ngắm hồ sen, hồ cá “lơ lửng” ở tầng 30.
Hồ sen trên căn penthouse của vợ chồng anh Tùng từng gây sốt MXH trong tháng 7 vừa qua
browser not support iframe.
Khi đi nhiều đất nước, anh Tùng càng thấy tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên hiếm có của Việt Nam. “Những bờ biển trải dài từ Bắc vào Nam của nước mình đẹp hơn rất nhiều nơi mình từng đến, là tiềm năng lớn cho ngành du lịch.
Việt Nam có văn hóa ẩm thực, văn hóa vùng miền đặc trưng, thú vị lắm nhưng dường như chúng chưa được bảo tồn, quản lý và phát huy hiệu quả”, anh Tùng chia sẻ.
“Ở các quốc gia châu Âu, trên hành trình khám phá, họ rất có ý thức bảo vệ môi trường. Họ thậm chí không mang theo nước đóng chai mà uống nước ngay trên núi. Họ cũng đi phương tiện công cộng trong các chuyến khám phá thay vì xe cá nhân”, anh nói thêm.
Thanh Tùng hy vọng có thể chia sẻ đến nhiều người những trải nghiệm về du lịch của bản thân. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, anh sẽ tiếp tục lên đường thực hiện ước mơ khám phá thế giới, trở thành một travel blogger.
“Mình không mong kiếm được tài chính từ công việc này nhưng đó là công việc mình làm bởi đam mê, niềm yêu thích”, anh chia sẻ.
Thanh Tùng check-in tại bãi biển cát đen Reynisfjara, Iceland – nơi được National Geographic bình chọn là một trong 10 bãi biển phi nhiệt đới đáng đến nhất hành tinh
Linh Trang (Ảnh: NVCC; Video: Linh Trang – Xuân Minh)
Leave a reply