Vì đời là những chuyến đi
Quyết định sang Campuchia của tôi vào thời điểm đó có vẻ khó hiểu với nhiều người, khi mọi yếu tố theo hệ quy chiếu xã hội, tôi đang được đánh giá là “ổn định” và nếu tiếp tục ở lại Việt Nam cũng có triển vọng. Nhưng vượt qua tất cả sự đe doạ, sợ hãi, cộng thêm sự đấu tranh tư tưởng với gia đình (vì tôi là con một của gia đình), tôi quyết đi.
Những vệt nắng vàng vọt cuối ngày cố len lỏi vào dòng người đang nối đuôi nhau qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), vậy là chuyến xe cuối cùng trong ngày cũng đã kịp lăn bánh để đưa chúng tôi – những con người chỉ có tuổi trẻ, bắt đầu một hành trình mới đầy cảm hứng và thử thách trên đất nước Chùa Tháp đầy bí ẩn. Qua ô cửa kính, những hàng thốt nốt xa tít tắp trên những cánh đồng trống không gợi cho tôi một cảm giác mông lung vô định. Bất giác, tôi miên man theo những dòng suy nghĩ, trong lòng tự hỏi, không biết điều gì đã thôi thúc tôi và những anh em khác có thể vượt qua nỗi sợ hãi để bước trên những con đường của đất nước đầy nắng và ít gió này!
Trong mắt bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, Campuchia lúc ấy là một đất nước đầy sợ hãi và chứa đựng nhiều rủi ro. Sự tàn bạo của nạn diệt chủng, một đất nước ngèo nàn và luôn bất ổn về chính trị, nguy cơ mất an toàn cá nhân từ phong trào phân biệt chủng tộc của người Khmer và vô vàn chấn động tâm lý khác phải đối mặt… suốt ngày được báo đài rêu rao. Quyết định lên đường của tôi vào thời điểm đó có vẻ cũng khó hiểu với nhiều người, khi mọi yếu tố theo hệ quy chiếu xã hội, tôi cũng đang được đánh giá là “ổn định” và nếu tiếp tục ở lại Việt Nam chắc là cũng có triển vọng. Nhưng vượt qua tất cả sự đe doạ, sợ hãi, cộng thêm sự đấu tranh tư tưởng với gia đình (vì tôi là con một của gia đình), tôi quyết đi.
Cho đến ngày hôm nay, bản thân có thể tự tin nói rằng, quyết tâm xách ba lô lên và đi là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nói vậy, các sếp thấy đúng lại cho ở thêm 10 năm nữa thì cũng… căng!
Nơi tình yêu bắt đầu
Tôi gia nhập FPT Telecom từ khi còn học năm nhất đại học ở vị trí cộng tác viên, với hoài bão và ước mơ làm giàu rất mãnh liệt. Thời điểm 2006-2007 nhắc đến đại gia là người ta chỉ nói về FPT và anh Trương Gia Bình. Nói về FPT là nói về một điều gì đó rất hoành tráng và hãnh diện, bản thân vô cùng hào hứng. Nhưng đời không là mơ, không thể tưởng tượng được ngày đầu tiên đi làm lại được các anh chị hướng dẫn đi phát tờ rơi ở nơi đông người và mua số điện thoại đẹp, nghe như kiểu lừa tình, cảm giác ban đầu sụp đổ. Tuy nhiên, sau đó bản thân cũng kịp sắp xếp lại suy nghĩ rằng: “Mình đang là sinh viên, chưa có gì để mất nên cứ thử sức xem sao, ít ra ai hỏi cũng bảo là làm FPT là oai rồi”. Nhưng đâu có ngờ, mối tình sống thử đó không chỉ kéo dài đến ngày hôm nay mà còn cùng nhau xuyên biên giới, với một thứ ngôn ngữ hoàn toàn khác: ngôn ngữ của văn hoá Campuchia!
Hành trình trên xứ Chùa Tháp
Vào những tháng cuối năm 2012, khi các bộ phận còn gấp rút cho lễ tổng kết cuối năm và chờ lương thưởng, đột nhiên tôi nhận được email của Ban điều hành về việc tham gia buổi toạ đàm, nói chuyện về toàn cầu hoá. Lúc đó, anh Phùng Hưng (CEO đầu tiên của FPT Telecom Campuchia) trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với những nhân sự có nguyện vọng tham gia ‘chiến trường’ Campuchia. Tôi vẫn nhớ lúc đó mọi người bàn tán rất sôi nổi và có gần 20 anh em tham dự. Tuy nhiên, sau buổi giải đáp các thắc mắc về văn hoá, ăn ở, đi lại, anh Hưng có nhắn nhủ nếu ai muốn tìm hiểu thêm, anh có thể mời ăn tối để nói chuyện tiếp. Và số người tham dự buổi tối còn lại chỉ còn 5 người và 3 trong số đó vẫn đang trụ vững tại Campuchia đó là tôi, anh Nguyễn Tiến Trung thuộc Viễn thông Quốc tế (FTI) và Nguyễn Hữu Tiến của Trung tâm Kinh doanh Hà Nội 3.
Lúc mới qua Campuchia, Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Tiến Trung được giao nhiệm vụ mở chi nhánh thứ 5 của Campuchia là Sihanoukville.
Việc quyết định tham gia ‘quân tình nguyện’ cũng được tôi đưa ra rất nhanh chóng. Ngay hôm sau, tôi xuống phòng Giám đốc gặp anh Nguyễn Hùng Quân.
“Tình hình thế nào?”, anh Quân hỏi.
Tôi báo: “Em đã có nhân sự cứng thay thế và nếu không có gì thay đổi, ăn tết xong sẽ lên đường!”
Không biết lúc đó trong lòng anh có cảm thấy mất mát không, nhưng anh gửi gắm đôi lời: “Chú tuổi còn trẻ lại chưa có gia đình nên anh nghĩ đi là việc cần thiết, và lịch sử của FPT Telecom là lịch sử của những sự thay đổi, nếu không đi bây giờ, sau cũng sẽ phải đi nơi khác thôi nên anh hoàn toàn ủng hộ”.
Khi chia tay, anh có tặng tôi cuốn sử ký FPT 25 năm, cho đến bây giờ nó vẫn đồng hành cùng tôi suốt hành trình chiến đấu như lời động viên, chia sẻ của mọi người FPT trên toàn cầu với nhiều trải nghiệm thú vị. Sau này tôi mới biết, so với Campuchia, khó khăn khủng hoảng động đất, sóng thần tại Nhật Bản của các cán bộ FPT Software phải đối mặt còn kinh khủng hơn nhiều!
Còn đối với gia đình, về công việc, nhiệm vụ và thách thức trải nghiệm bản thân phụ huynh rất ủng hộ, nếu đi Nhật, đi Mỹ, đi Lào gia đình đều đồng ý. Tuy nhiên, báo đài đưa tin nhiều về biểu tình và bất ổn chính trị tại Campuchia nên phụ huynh cũng có phần hoang mang và đắn đo, gọi điện khắp nơi để xem xét tình hình và cuối cùng cũng phải đích thân đi khảo sát kết hợp du lịch, mọi việc mới thông suốt. Ăn Tết xong cũng là lúc tôi phải lên đường nhận nhiệm vụ. Cầm tấm vé một chiều trên tay, bản thân ý thức được nếu bỏ cuộc giữa chừng, cũng sẽ chẳng còn đường quay về. Vừa nghĩ đến đoạn đó thì gặp chị Hoàng Thanh Hậu (FAD) đi ngược chiều hành lang: “Vậy là đi hả em? Chị sợ mày không được 1 tháng!”.
Ngày lên đường cũng đến, để tiết kiệm chi phí cho công ty, tôi phải bay vào TP HCM và đi xe bus tới Phnom Penh. Đây là lần đầu tiên tôi đi qua cửa khẩu bằng đường bộ. Sang tới nơi, tôi được sắp xếp nơi ở ổn định. Vì chiến trường gấp gáp mà người ít nên BGĐ FPT Telecom Campuchia nhanh chóng quyết định cho đi học tập nhanh một vòng các chi nhánh, nắm bắt công việc và văn hoá địa phương để cảm nhận và sống thử, nếu ai cảm thấy không trụ được có thể rút lui. Và cũng rất nhanh sau đó 1 tuần, tôi và anh Nguyễn Tiến Trung được mời lên họp và giao luôn nhiệm vụ đi mở chi nhánh thứ 5 của Campuchia là Sihanoukville.
Khác với ở Việt Nam là có nhiều bộ phận back-office hỗ trợ, ở đây, chúng tôi phải làm mọi thứ. Nói về khó khăn thiếu thốn, chắc không kể thêm nữa, tuy nhiên, khái niệm mở chi nhánh là hoàn toàn xa lạ. Anh Trung xuất phát là dân kinh doanh Viễn thông Quốc tế, tôi cũng là thuần kinh doanh từ đầu đến cuối chưa bao giờ làm các việc khác nên thấy rất không yên tâm. Nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác, hơn nữa, thấy anh Nguyễn Minh Cương, anh Vũ Văn Kết đi trước đã làm được, mình cũng sẽ làm được. Một phần không còn người nên mọi thứ cấp bách, một phần cũng không có nhiều thời gian vì ngày hôm sau là phải lên đường nên đồ đạc cũng phải sắp xếp nhanh trong đêm để ngày mai sẵn sàng. Từ Phnom Penh xuống Sihanoukville mất khoảng 6 tiếng cho 300km đường bộ. Lúc lên đường vội vàng, anh em chỉ kịp dặn dò nhau: “Campuchia là xứ bùa ngải, nếu một trong hai thằng đòi lấy vợ Campuchia, thằng kia nhất định phải tìm cách giải cứu”. Cả hai cùng cười ồ lên: “Nếu cả hai thằng đòi lấy thì ai cứu?”
Tập thể Opennet Sihanoukville trong một lần team-building. “Cho đến ngày hôm nay bản thân có thể tự tin nói rằng, quyết tâm xách ba lô lên và đi là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Nói vậy, các sếp thấy đúng lại cho ở thêm 10 năm nữa thì cũng… căng!?”, Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ.
Thành phố cảng Sihanoukville là một trong những thành phố phát triển kinh tế nhất Campuchia (sau Phnom Penh). Người dân thường gọi với cái tên cũ là Kam Pong Som (từ Kam Pong này gần như được đặt theo quy tắc cho tất cả các tỉnh tại Campuchia như: Kampong Cham, Kampong Chnang…). Ở đây chính sách nhập cư lỏng lẻo nên thành phố rất đa dạng về thành phần và chủng tộc – từ doanh nhân cho đến mafia, cho đến tội phạm truy nã, hay những người viễn xứ như chúng tôi. Sihanoukville là thành phố biển nổi tiếng không chỉ tại Campuchia mà còn nổi tiếng khắp thế giới với nhiều hòn đào tuyệt đẹp nên lúc nào cũng tấp nập và nhộn nhịp. May mắn thay vì là thành phố du lịch nên tiếng Anh người dân khá tốt nên mọi việc khá thuận lợi về mặt giao tiếp.
Cũng như Việt Nam, xe bus vừa dừng, ở dưới, xe ôm và tuk tuk đã dàn trận để đón người. Nổi trong đám đông lôi kéo, thấy một người nói tiếng Anh rất xởi lởi. Anh ấy tự giới thiệu tên mình là Mango, sau này chúng tôi cứ gọi tắt tên anh là Xoài. Xoài có dáng người cao, ốm và có làn da đen như than, nói tiếng Anh liên hồi không ngớt, đi xe ôm đeo kính đen rất sành điệu, tình nguyện chở chúng tôi về cất đồ đạc, dẫn đi chơi, thích trả bao nhiêu tiền thì trả. Mặt anh ấy chắc cũng tầm tuổi mình, thấy cũng hào sảng và nghĩ người Khmer thật thà, mình không lừa họ thì thôi chứ họ chắc chả lừa mình được nên ôm xe đi luôn.
Tôi và “Trung Lác” được dẫn đi một vòng ngắm cảnh quan thành phố. Vì thành phố khá bé (chỉ tương đương với một thị trấn nhỏ tại Việt Nam) nên chỉ tầm 1h là đã đủ ngắm nhìn phố phường, đời sống người dân ở đây. Luật pháp lúc này tại Cam vẫn cho phép xe máy chở đôi. Vừa đi Mr.Xoài vừa chỉ trỏ nói cái gì đó, tiếng gió bật vù vù chỉ nghe được tiếng: “Ok? Ok?”. Tôi và Trung cũng “Ok” mặc dù chẳng biết Xoài đang nói gì. Kết thúc hành trình cũng quyết luôn phải nhờ Xoài đi mua cho cái xe máy để ngày mai còn kịp công việc được giao. Anh ấy nhiệt tình chở đến chỗ bán xe máy và cũng nhanh chóng ngã giá được một chiếc Wave chiến. Coi như ngày đầu tiên ở thành phố cảng thuận lợi.
Hình như có vẻ thấy chúng tôi “thiếu thốn tình cảm” nên Ban Giám đốc cũng đã kịp thời bổ sung một cán bộ nữ. Trâm là người Thái Nguyên và không thuộc biên chế FPT, là sinh viên trường báo chí, lý luận sắc sảo. Trâm một mình “thân gái dặm trường” vẫn liều mình vác ba lô sang Campuchia chiến đấu. Trước đó, Trâm đã có kinh nghiệm làm Chăm sóc khách hàng (CUS) ở Phnompenh nên được điều xuống để hỗ trợ thêm cho chi nhánh. Em lo mọi việc từ thu chi, ăn uống đến nấu nướng. Trâm nấu ăn rất ngon và luôn tự tin với khả năng của mình, cộng thêm luôn được anh em hết lời khen ngợi nên tha hồ sáng tác các món mới. Đến bây giờ vẫn thèm món sườn chua ngọt của em mà không biết bao giờ mới được thưởng thức lại, vì Trâm theo tiếng gọi của trái tim nên cũng đã xin nghỉ để trở về Việt Nam.
Công ty cũng chỉ mới chỉ kịp thuê mặt bằng mới nên mấy anh em phải mua sắm mọi thứ từ đầu như: điều hòa, giường chiếu, bát đũa… và sau đó là tìm đối tác cung cấp bàn ghế văn phòng, thiết kế cửa, biển hiệu. Những việc này tương đối đơn giản và cũng hoàn thành suôn sẻ sau một tuần, vì ở thành phố cũng có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và lãnh sứ quán cũng ở đó nên được giúp đỡ chỉ bảo rất nhiệt tình. Về phần tuyển dụng, tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm trước đó nên không mấy khó khăn. Chúng tôi dịch nội dung tuyển dụng ngắn gọn ra tiếng Khmer và tiếng Anh rồi in băng-rôn treo khắp nơi, kết hợp phát tờ rơi truyền thống. Tối nào tôi và Trung cũng đi phát tờ rơi tại các trường đại học và liên hệ Ban quản lý đi treo biển tuyển dụng nên chỉ trong 1 tuần cũng nhận được mấy chục hồ sơ (CV). Những ai được nhận làm rồi, giới thiệu tiếp bạn bè người thân vào làm, lại được thưởng tiếp. Sau này một số bạn được tuyển vào có nói là cứ tưởng 2 anh đi phát tờ rơi thuê.
Khó khăn nhất lúc ấy nữa là rào cản ngôn ngữ. Tuy nhiên, Chính phủ Campuchia khá mở cửa cho sinh viên khi các lớp đại học đều có thể đăng ký học buổi tối, ban ngày sinh viên có nhu cầu có thể đi làm thêm. Và một điều thuận lợi nữa là tất cả các bạn đều nói tiếng Anh giao tiếp thành thạo. Hiểu được nhau về những thứ cần diễn đạt thế là chúng tôi mừng lắm rồi. Sau khi kết thúc sàng lọc thì cũng chọn được hơn 20 bạn đầu tiên từ kỹ thuật, kinh doanh, CUS… để chuẩn bị cho ngày khai trương.
Về Chăm sóc khách hàng, chuyên môn đã có Trâm đào tạo cho nhân viên mới, đồng thời đào tạo luôn cho cả tôi và Trung để lúc vắng mặt có thể thay nhau quản lý, báo cáo. Nhờ thế, chúng tôi cũng đã có thêm kinh nghiệm mới và hiểu hơn về hệ thống. Về phần kéo cáp và thuê trụ đã có anh Nguyễn Hoàng Ân dẫn mối trong các liên hệ của anh. Anh Ân là người thầy đầu tiên tại Campuchia chỉ dẫn chi tiết mọi thứ cho chúng tôi từ cách tiếp xúc, thăm hỏi, lễ tết, gặp gỡ các ban ngành theo văn hoá đặc thù của Campuchia. Kiến thức và kỹ năng của anh cũng khá rộng nên chúng tôi làm sai cái gì là anh biết ngay. Anh lớn tuổi nhất trong hội và cũng là người có trình độ “bắn tiếng Khmer” cao nhất nên việc giao tiếp quan hệ với các ban ngành địa phương rất thuận lợi. Từ việc kéo cáp hay xin phép sở văn hoá, anh nói với chúng tôi rằng anh chỉ dẫn mối 1 lần sau này bọn em tự xoay xở nếu thật sự khó mới gọi anh.
Sau khi Điện lực cho phép kéo cáp, phần hạ tầng cũng đã hoàn thành theo kiểu cuốn chiếu trước để có thể bán xung quanh công ty trước ngày khai trương. Mảng hạ tầng và sever là một kinh nghiệm rất bổ ích và thú vi. Tôi xuất thân là một kỹ sư viễn thông, trước đây chỉ nghiên cứu cáp, thiết bị, tín hiệu trên sách vở; ra trường cũng gắn bó với kinh doanh từ đầu nên chưa bao giờ có cơ hội biết thực tế là như thế nào. Nhờ những năm tháng làm trực tiếp, học cùng các anh em đối tác tại chi nhánh nên đã có thể hiểu và làm được hết mọi việc, từ thiết kế ngoại vi cho đến triển khai hạ tầng, cách thức vận hành ra sao, đấu nối thế nào… Vì vậy, tôi cũng hiểu hơn những khó khăn của các bộ phận, từ đó có thể xử lý công việc một cách logic nhất chứ không phải là cảm nhận như trước đây.
Tập thể quản lý của FPT Telecom Campuchia.
Sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi chỉ đợi ngày khai trương, anh Đỗ Anh Tuấn báo có là anh Nguyễn Văn Khoa (nguyên TGĐ FPT Telecom) và anh Vũ Anh Tú (PTGĐ FPT Telecom) sẽ sang thăm và dự lễ khai trương nên anh em phải chuẩn bị chu đáo. Mấy anh em bàn nhau nếu chỉ cắt băng khai trương bình thường không mấy ấn tượng, phải khác biệt đi một tí. Chúng tôi nghĩ ra giải pháp cuối cùng là đốt pháo. Ở Campuchia pháo cũng cấm, tuy nhiên, luật chưa chặt và nhờ có quan hệ với văn hóa thành phố trước đó nên cũng đã kịp xin họ châm chước cho phép đốt ngày khai trương. Còn khâu mua pháo và vận chuyển đã có Mr.Xoài lo liệu. Xoài vốn tính nhanh nhẹn, hoạt bát cần mua gì, cứ nhờ Xoài là xong, đôi khi dặn dò chưa kịp dứt, Xoài xe đã lao vun vút đi xa.
Ngày 30/5/2012 được ấn định là ngày khai trương chi nhánh Opennet Sihanoukville. Lễ khai trương được làm theo văn hóa của Campuchia với trang phục truyền thống kết hợp sáng tạo phần đốt pháo. Nhân tiện, các sếp cũng được có dịp quay về tuổi thơ khói lửa, đốt xong và chạy rất nhanh, pháo nổ tung trời, khói bay mù mịt khắp phố nên ai đi qua cũng chú ý. Nhờ vậy, ngay sau đó cũng có nhiều khách hàng đến hỏi thông tin và ký hợp đồng luôn. Buổi khai trương diễn ra tốt đẹp và thuận lợi. Cuối buổi, anh Khoa gặp cầm tay ba anh em chúng tôi dặn dò: “Ngoài công việc phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, các em đều còn trẻ và phải đi xa, vì thế phải đoàn kết, nương tựa giúp đỡ lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn”. Sau này mặc dù mỗi người chuyển công tác một nơi khác nhau nhưng trong thâm tâm chúng tôi lúc nào cũng tâm niệm lời dặn dò này không chỉ dành riêng cho chúng tôi mà còn dành cho toàn bộ các bộ nhân viên Opennet đang onsite trên đất nước Campuchia này.
Đối với tôi, Sihanoukville là mảnh đất đầu tiên cắm dùi mang nhiều kỷ niệm và tâm tư nhất của những ngày tháng bắt đầu hành trình đi bụi. Nó luôn mang lại cảm giác thử thách bản thân, cùng với sự trải nghiệm, kinh nghiệm thú vị mà nếu không bước đi không thể nào có được.
Tôi thích câu nói: “Trong cuộc đời, người ta chỉ hối tiếc về những điều chưa làm hơn những việc đã làm”. Vì vậy, bản thân tôi cũng chưa bao giờ phải hối hối tiếc vì con đường mà mình đã lựa chọn. Đôi khi đích đến cũng quan trọng nhưng đối với tuổi trẻ thì hành trình còn quan trọng hơn. Chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ có một điều gì đó hoàn hảo chờ đợi ở phía trước, bởi vì tương lai luôn thay đổi, và không ai biết trước điều gì. Chỉ biết rằng, nếu người ta chia tình yêu cơ bản thành ba loại: Tình Yêu Nếu – Tình Yêu Bởi Vì – Tình Yêu Mặc Dù, với tôi, tình yêu dành cho FPT Telecom cũng vậy. Nếu được nhận, chúng tôi xin nhận tình yêu dành cho tổ chức là loại tình yêu thứ ba!
Leave a reply